Tích trượng phá u quan

Tích trượng là một trong những pháp khí của Phật giáo. Thời xưa, Phật và các Thánh chúng đi khất thực thường tay cầm tích trượng. Công dụng của tích trượng là để dẹp trừ những chướng ngại vật làm trở ngại bước chân của các Ngài đi.

Tích trượng tiếng Phạn là Khakhara (Khiết khí la), Khích khí la, cũng dịch là “Thanh trượng”, “Minh trượng”. “Trí tượng”, “Đức trượng”, “Kim tích trượng” là một trong những pháp khí của Phật giáo. Khi còn tại thế, Đức Phật giải thích Tích trượng như sau: Trên đầu tích trượng sở dĩ có 12 vòng khoen là biểu trưng cho 12 nhân duyên mà Đức Phật giác ngộ được để chứng thành đạo quả. Từ đó, Ngài đem 12 nhân duyên để giáo hóa chúng sinh vì muốn mọi người đều được giác ngộ đạo lý như Ngài.

Địa Tạng Vương Bồ Tát: Tay phải cầm Tích trượng biểu dương sức mạnh của Chánh Pháp. Năng lực của Tích trượng là tâm đại từ đại bi của Bồ tát, dùng chánh pháp chuyển hóa tâm địa con người đầy tham lam, hận thù, đố kỵ, si mê mù quáng có thể thức tỉnh kịp thời. Còn tay trái Ngài nắm hạt minh châu là tượng trưng cho trí huệ. Vì muốn phá vô minh cần có trí tuệ, một khi có trí huệ chiếu sáng thì vô minh không còn. Đầu mối của 12 nhân duyên là vô minh nên 12 vòng khoen là tượng trưng cho vô minh.

Tích trượng có hình dáng của bông sen nở thơm tho thanh khiết, kết tụ của sự giác ngộ giải thoát, hoa sen đều từ gốc bùn tanh. Mục đích của người tu là phải có chánh pháp, hiểu tận tường thấu đáo, thực hành đúng theo lời Phật day. Địa ngục không nhất thiết khi con người chết đi mới thấy, địa ngục ở ngay cõi đời, ngũ trược ác thể chính là sự sinh ly tử biệt, địa ngục tù giam cấm cố tra tấn, địa ngục bịnh hoạn, đau đớn, rên xiết. Thật là quá nhiều địa ngục ngay trước mắt, con người phải chịu đền trả quả báo gây tạo ra nhiều đời, nhiều kiếp trong lục đạo luân hồi.

Chánh pháp chính là hiệu quả của “ Tích trượng phá cửa địa ngục”, là gậy vàng đập tan gông cùm xiềng xích trói buộc của địa ngục phiền não đau khổ. Xuất gia hay tại gia đều có thể tự tu theo pháp “ lục độ ba la mật”, trang nghiêm thân tướng với bố thí, trì giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, để đạt tự tánh “ Pháp Bảo” chân chánh. Từ đó phát sanh trí tuệ, phá vỡ cửa địa ngục vô minh nhiều kiếp luân hồi, tâm luôn hướng về Bồ Tát hạnh để cứu khổ chúng sinh. Còn sống trên đời, còn khỏe mạnh, con người nên dành nhiều thời giờ vào việc tu học, tự quan sát, tự soi tâm địa chính bản thân, bởi vì Phật dạy thân người khó được và được thân người là dễ tu nhất.

Chánh pháp là cứu cánh tận diệt tội lỗi, dứt trừ thói quen tạo nghiệp đua đòi và nhiều tật xấu tiềm ẩn trong kho tàng tâm thức con người. Khi hiểu tận tường giáo pháp trong kinh điển, thực hành và suy ngẫm thấu đáo lời Phật dạy, chuyển hóa tâm địa si mê sâu nặng trong tiềm thức và tâm ích kỷ mù quáng, con người thức tỉnh kịp thời, đó là giải thoát. Đức Phật dạy: “ Phải luôn luôn quán chiếu nội tâm, thúc liễm vọng tâm vọng thức để tự giác ngộ. Tâm làm chủ mọi hành động, mọi nghiệp lực. Tâm là địa ngục, tâm cũng là niết bàn. Con người phải hứng chịu mọi quả báo, an lạc hay đau khổ do chính mình tạo ra. Chính tự thân mới có đủ năng lực đưa mình ra khỏi địa ngục đau khổ mà thôi”.

Địa tạng là tâm địa sâu kín chân thật của con người, khi thức tỉnh biết tàm qúi, sám hối tội lỗi, chấm dứt nghiệp dữ. Chuyển hóa, sửa đổi tâm niệm xấu ác thành thiện lành chính là con đường giải thoát ra khỏi luân hồi, tam đồ ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Hiểu được đạo lý như vậy thì rất có lợi lạc cho việc tu nhân, tích phước, kiệm đức, cứu người giúp đời. Người đời có thể che giấu được tâm tốt hay xấu với người xung quanh, nhưng không gạt được tâm địa của chính mình. Nhận ra được chân lý sống, con người biết dùng chánh pháp làm phương tiện thanh lọc những tư tưởng ô nhiễm bám vào tâm thức nhiều đời nhiều kiếp. Thực hành lời Phật dạy, suy tư và tinh tấn phát huy định lực tự thân, vững bước tu tập cho đến khi đạt được Tự Tánh “ Pháp Bảo” chân chánh, thân tâm được tự tại giải thoát khỏi cảnh giới địa ngục. ( Nguồn sưu tầm)

Bài viết liên quan

Liên hệ