Hiểu biết về sinh tử – Cơ hội giải thoát
Sống và chết, tưởng là vấn đề hết sức đơn giản và căn bản, nhưng nếu chúng ta thực sự tĩnh tâm lại để tìm hiểu và chiêm nghiệm mới thấy sự hiểu bết của chúng ta về hai phạm trù này rất hạn chế.
Sống và chết, tưởng là vấn đề hết sức đơn giản và căn bản, nhưng nếu chúng ta thực sự tĩnh tâm lại để tìm hiểu và chiêm nghiệm mới thấy sự hiểu biết của chúng ta về hai phạm trù này rất hạn chế. Thông thường, người ta có thể định nghĩa sống và chết theo các lĩnh vực khác nhau, điển hình như khoa học và tôn giáo.
Theo quan điểm khoa học: Sống là một quá trình diễn ra từ lúc chúng ta sinh ra cho đến khi chết đi. Tuy nhiên, từ xa xưa cho đến tận ngày nay, cái chết của con người vẫn luôn là bức màn bí ẩn chưa được hé mở hết và đang tiếp tục được các nhà khoa học nghiên cứu tìm hiểu. Sự hiểu biết của con người về cái chết cũng có những bước tiến thay đổi theo sự phát triển của khoa học, chẳng hạn, trước kia, sự chết được gắn với tim và phổi của một người ngừng hoạt động, người đó được xem là đã chết. Tuy nhiên, về sau với sự phát triển của kỹ thuật hồi sức tim phổi cũng như kỹ thuật phá rung cho thấy trong nhiều trường hợp, việc hồi sức làm cho tim, phổi hoạt động trở lại. Cho nên, một người có tim, phổi ngừng hoạt động chỉ được xem là chết lâm sàng và vẫn có khả năng sống lại. Tiếp đến, sau khi não được đưa vào nghiên cứu và con người phát minh ra điện não đồ, có khả năng đo khá chính xác các dòng điện phát ra từ não, một người chỉ được xem là đã chết khi dòng điện được ghi nhận bằng không. Chẳng hạn, nhiều người bị rơi vào đời sống thực vật khi thân, não của họ vẫn còn hoạt động. Tuy vậy, ngay cả khi dùng điện não, việc xác định cái chết cũng khó khăn vì máy đo điện não đồ có thể ghi nhận một tín hiệu giả trong khi não đã thực sự ngưng hoạt động, hay ngược lại, não còn sống, nhưng hoạt động điện của nó thấp hơn ngưỡng ghi nhận của máy. Lịch sử y học còn ghi nhận nhiều giai thoại về những người bệnh được các thầy thuốc chứng tử nhưng sau đó đã sống lại khi đang được ướp xác hoặc sau vài ngày nằm trong quan tài.
Gần đây nhất, hai nhà khoa học ( Tiến sĩ Stuart Hameroff, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ý thức của Đại học Arizona tại Mỹ và nhà vật lý người Anh Roger Penrose) vừa đề xuất một giả thuyết mới về ý thức con người. Theo hai ông, ý thức con người nằm trong những ống siêu nhỏ trong tế bào não. Ý thức là kết quả của những tác động do lực lượng tử gây nên trong những ống siêu nhỏ ấy. Hai nhà khoa học nhận định có thể ý thức của chúng ta chỉ là sự tương tác giữa những tế bào thần kinh trong não, vì thế, ý thức là một phần cơ bản của vũ trụ và tồn tại từ khi thời gian bắt đầu. Họ cũng lập luận rằng cảm giác cận kề cái chết xảy ra khi các ống siêu nhỏ mất trạng thái lượng tử nhưng thông tin lượng tử bên trong các ống không bị hủy diệt, mà chỉ rời cơ thể để quay trở về vũ trụ. Nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời, thông tin lượng từ sẽ quay lại các ống và bệnh nhân kể lại sau khi hồi sinh rằng dường như họ vừa tới thế giới bên kia. Giả thuyết này đang trở thành đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng khoa học thế giới và người ta hy vọng rằng những phát hiện mới trong lĩnh vực vật lý lượng tử sẽ chứng minh và làm sáng tỏ thêm hiểu biết của khoa học về cái chết. Như vậy, cái chết vẫn đang tiếp tục được khoa học tìm hiểu và khám phá.
Dưới góc độ của tôn giáo vào tâm linh: Từ xa xưa, con người đã xây dựng những niềm tin và quan điểm khác nhau về sống và chết. Một số người cho rằng con người chỉ có một đời trong hiện tại, từ khi sinh ra đến khi chết, nhắm mắt xuôi tay là hết, là hoàn toàn mất hẳn, không còn lại gì. Ngược lại, nhiều người cho rằng kinh hồn bất tử. Sau khi chết, thân thể tan rã, nhưng linh hồn thường còn mãi mãi hoặc sẽ lên thiên đường để thụ hưởng vĩnh viễn những sự an vui khoái lạc (nếu trong đời hiện tại ăn ở hiền lương) hay sẽ bị đọa xuống địa ngục chịu khổ mãi mãi ( nếu đời hiện tại làm nhiều điều tội lỗi).
Trong quan kiến của đạo: Phật mọi chúng sinh, trong đó có con người là tổ hợp của Thân Tâm và “ chết” được định nghĩa là “sự chia tách giữa Thân Tâm rất vi tế với những khía cạnh thô lậu hơn của Thân Tâm”. Khi chúng ta sống, thân và tâm có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Mối quan hệ thân và tâm này cũng thay đổi và sẽ kết thúc khi cái chết diễn ra. Chết là thời điểm tâm thức rời khỏi xác. Cái chết không phải là sụ chấm dứt hoàn toàn mà là cửa ngõ dẫn tới cuộc sống khác, nó được ví như bỏ áo cũ và mặc một chiếc áo mới. Tuy nhiên, những gì diễn ra từ đời này sang đời khác không phải là một linh hồn hay một thực thể cá nhân tồn tại vĩnh viễn mà chính là dòng tâm luôn thay đổi và không liên quan đến cá nhân cụ thể trong một cuộc đời. Dòng tâm đó sẽ mang theo những “ dấu vết” nghiệp đã tạo khi còn sống và những “ hạt giống” đã gieo trong quá khứ sẽ lớn lên trong tương lai. Những dấu vết nghiệp này sẽ quyết định trải nghiệm trong tương lai của chúng ta.
Vì vậy, Phật giáo cũng cho rằng chúng ta chỉ là một phần của vũ trụ, trong đó có vô vàn thế giới và chúng sinh liên tiếp xuất hiện rồi lại tan biến, sự vận hành như thế được gọi là luân hồi. Không có sự mở đầu cho quá trình luân hồi và cũng không có Đấng sáng tạo, lực lượng nào thúc đẩy hay đứng đằng sau mọi sự vật, hiện tượng diễn ra trong vũ trị cũng như trong đời sống của mỗi cá nhân. Chúng ta là kết quả của những hành động thân, khẩu, ý mình đã tạo dựng từ trong quá khứ. Chúng ta tạo nên “ số phận” của chính mình trong luân hồi.
Nguồn: ( Trích ấn phẩm “ Bardo – Bí mật nghệ thuật sinh tử” Nhà xuất bản Tôn giáo, 2013)
Bài viết liên quan
- Bốn ác nghiệp của đời người chịu quả báo nặng nề nhất
- Cầu an – ý nghĩa và nghi thức Đi chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Ai cũng có một mong nguyện là...
- Hiểu biết về sinh tử – Cơ hội giải thoát Sống và chết, tưởng là vấn đề hết sức đơn giản và căn bản, nhưng nếu chúng ta thực sự tĩnh tâm lại để tìm...
- Tích trượng phá u quan Tích trượng là một trong những pháp khí của Phật giáo. Thời xưa, Phật và các Thánh chúng đi khất thực thường tay cầm tích...